Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thực sự trở thành nếp văn hóa tiêu dùng


Thị trường hàng hóa còn rất nhiều cơ hội và nhiệm vụ tiên quyết là đưa khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự trở thành nếp văn hóa tiêu dùng của thị trường.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh mong muốn này trong Hội nghị sơ kết và triển khai nhiệm vụ cuối năm 2011 cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, do Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng nay 7/6, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng nêu rõ, hiện nền sản xuất trong nước mới chiếm lĩnh được từ 30-50% nhu cầu thị trường đối với rất nhiều loại hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn trong dân cư như xăng dầu, phân bón, vật liệu xây dựng, hóa chất…

Ngay những mặt hàng là thế mạnh của nền kinh tế đất nước như nông sản, dệt may, da giày,… thị trường cũng bị một lượng đáng kể hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh gay gắt.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Nhiệm vụ tiên quyết là đưa khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thực sự trở thành nếp văn hóa tiêu dùng

Thực trạng này dẫn tới hệ quả là hàng năm, đất nước phải nhập khẩu nhiều chục tỷ USD hàng hóa, thiết bị các loại, trở thành bài toán khó cho cán cân thanh toán, sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi, một phần không nhỏ lượng hàng nhập khẩu này, trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng, tự sản xuất để thay thế.

“Đây hoàn toàn là cơ hội lớn nếu như có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của người tiêu dùng trong nước. Không một quốc gia nào phát triển mạnh mẽ được nền sản xuất của mình nếu không được sự ủng hộ của người dân, của thị trường trong nước”, Phó Thủ tướng nói.

Nhưng bên cạnh việc kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các nhà sản xuất cũng phải thấy rằng cần cố gắng thế nào để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu đó, làm sao để sản phẩm chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn.

Thúc đẩy sản xuất, giảm nhập siêu đang là giải  pháp quan trọng, thời sự trong bài toán điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, vì vậy, Phó Thủ tướng mong muốn các cấp, các ngành và mọi người dân tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là công việc lâu dài, tiến tới xây dựng thành nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt.

Thời gian tới, cuộc vận động cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu. Mục tiêu là thay đổi cơ bản nhận thức toàn xã hội, khắc phục được tình trạng còn một số cấp, một số bộ phận chưa quan tâm đúng mức, chậm xây dựng kế hoạch triển khai chương trình.

Các Bộ, ngành chức năng cũng cần hoàn thiện, xây dựng các cơ chế pháp lý phù hợp. Từng lĩnh vực, ngành hàng phải xây dựng những kế hoạch với những chỉ tiêu, số liệu cụ thể, đề ra mục tiêu, thời hạn để khuyến khích, chiếm lĩnh thị trường rõ ràng, tránh tình trạng hô hào chung chung. Các lực lượng chức năng tăng tường kiểm soát, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,…

Tại Hội nghị, Ban chỉ đạo đã có báo cáo cập nhật kết quả hoạt động 5 tháng đầu năm về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với sự chỉ đạo thông suốt, nhất quán từ Chính phủ tới các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, nghề nghiệp đến các địa phương.

Điểm nổi bật của chương trình thời gian qua là gắn kết chặt chẽ với các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các phong trào thi đua yêu nước mà Đảng, Chính phủ đề ra. Từ cuộc vận động, một số cơ chế, chính sách được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.

Một số ý kiến tham luận tại Hội nghị cũng đóng góp những giải pháp thúc đẩy hơn nữa cuộc vận động trong thời gian tới, đặc biệt là khắc phục những hạn chế, tồn tại của chương trình như nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân về cuộc vận động, xây dựng các kế hoạch khả thi, thực chất, kiểm tra, hướng dẫn các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội một cách chủ động, linh hoạt, tổ chức tôn vinh những gương điển hình, đi đầu trong cuộc vận động, thực hiện các diễn đàn trao đổi giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng,…

Nguyên Linh


(Theo www.nguyenthikimngan.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét