Sáng nay (23/11), dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cùng với sự tham dự của Phó chủ tịch Quốc Hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc Hội Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi đối với thành viên Chính phủ. Nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm sẽ được các đại biểu chất vấn các thành viên Chính phủ. Dự kiến, người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn là Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều khiển phiên họp.
Năm Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp lần này, gồm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người cuối cùng trả lời chất vấn vào sáng ngày 25 tới. Như vậy, trong danh sách trả lời chất vấn, có tới 4 thành viên Chính phủ là người lần đầu tiên trả lời trực tiếp trước Quốc hội, sau 3 tháng nhậm chức.
Theo nghị trình dự kiến, sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng sẽ là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn về các giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc tại các thành phố lớn; biện pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và giải quyết tình trạng xuống cấp của các công trình giao thông trong điều kiện tiết giảm vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trước khi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trả lời chất vấn của các đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 12. Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ tập trung trả lời các vấn đề về thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tính đến chiều qua, hàng trăm chất vấn bằng văn bản của đại biểu đã được gửi tới các thành viên Chính phủ. Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sẽ quan tâm tới các vấn đề đang được dự luận quan tâm. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, đoàn Thái Bình nói: “Các đại biểu hi vọng rằng sẽ có trả lời những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay mà 5 vị Bộ trưởng này phụ trách những mảng chính. Trước hết là về giao thông vận tải người ta rất kỳ vọng vào việc giải quyết ách tắc giao thông hiện nay, chất lượng xây dựng các công trình giao thông. Đây là những vấn đề bức xúc mà đại biểu muốn giải đáp những tồn tại và đề ra những giải pháp để xử lý. Hay đối với Thống đốc Ngân hàng thì đại biểu muốn giải đáp rõ ràng hai vấn đề, thứ nhất là lo vốn cho nền kinh tế và cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng; hay đối với Bộ Công thương, vấn đề đang nổi lên là giá điện, vấn đề lỗ trong ngành điện. Thế thì hướng thoát ra như thế nào để đảm bảo phát triển ngành điện trong thời gian tới và giá thành như thế nào để đảm bảo cho những hộ dùng điện. Đó là những vấn đề cơ bản mà cử tri cũng như các đại biểu trông chờ”.
Quan tâm đến vấn đề thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới, đại biểu Trương Minh Hoàng, đoàn Cà Mau cho biết: “Đối với đoàn Cà Mau, chúng tôi gửi câu hỏi chất vấn có liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt là chương trình đầu tư cho cơ sở hạ tầng như là thủy lợi, đầu tư giống, con giống, đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển xuất xứ hàng hóa của khu vực đồng bằng sông Cửu Long về các loại trái cây, nông sản thực phẩm”.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, điểm đổi mới trong hoạt động chất vấn lần này là ý kiến chất vấn sẽ được tập trung vào các vấn đề lớn, tránh sự dàn trải. Những câu hỏi cụ thể, có tính chất địa phương sẽ được các Bộ trưởng trả lời bằng văn bản sau. Đối với hình thức hỏi và trả lời cũng sẽ khác nhiều so với các kỳ trước. Thời gian giành cho các đại biểu để chất vấn chỉ có 2 phút, vì vậy, các đại biểu cần hỏi nhanh và đi ngay vào vấn đề chứ không cần diễn giải để rút ngắn thời gian. Theo đó, nhiều đại biểu sẽ được hỏi và Bộ trưởng cũng sẽ trả lời được nhiều hơn. Còn các Bộ trưởng cũng sẽ không phải đọc bài phát biểu mà đi vào trả lời ngay các câu hỏi. Ngoài ra, với những vấn đề lớn, Quốc hội sẽ lựa chọn vấn đề để ra nghị quyết làm cơ sở sau này giám sát chất vấn../.
Hữu Tiến
(Nguồn: http://vov.vn/)
(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)
Kính thưa Bà _Tôi là người nông dân thuộc tỉnh Hải Dương nhà có nối mạng
Trả lờiXóaVợ và Em tôi là giáo viên trường làng .Nghe tivi , đài nói Quốc hội chuẩn bị thông qua luật lao động mà có nhiều đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi
với lý do là" bình đẳng giới" theo tôi đó là bình quân - lợi ích nhóm tuy là số ít nhưng được nói được phát biểu ,có điều kiện được phát biểu chính kiến của mình
Thực sự tôi thấy cái lý cũng đúng nhưng ở lĩnh vực,tầng lớp rất nhỏ là Những người lãnh đạo nói cho đúng là công chức có quyền từ trung ương đến cơ sở thì có thể làm việc đến 70 ->80 tuổi vẫn được .Nhưng những người chiếm đa số còn lại trực tiếp lao động thì không thiết tha với việc làm khi tuổi từ 50 trở lên thì sức khỏe giảm sút -lúc này người ta không cần kiếm nhiều tiền nữa mà chỉ chú ý tới chăm sóc sức khỏe cho mình và chăm lo hạnh phúc gia đình với lương hưu là được
Thực sự khi Cô giáo soạn bài hay lên bục giảng đã không còn sự nhanh nhẹn chân chậm mắt mờ, phải dùng kính ...vv - thì học sinh không còn hứng thú học nữa
đây là số nhiều nhưng không được nói không được phát biểu ,không có điều kiện được phát biểu chính kiến của mình
Tôi mạo muội đề nghị một ý tưởng giải pháp như sau :
Tuổi về hưu của công nhân viên chức nữ nói chung nên có khung từ 50 tuổi đến 59 tuổi tùy theo điều kiện của từng người làm đơn sẽ được nghỉ với tỉ lệ % lương cho hợp lý . còn đến tuổi 60 thì phải nghỉ .
Rất mong Bà quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của những người trực tiếp lao động
Thay mặt cho "Số nhiều nhưng không được nói không được phát biểu ,không có điều kiện được phát biểu chính kiến của mình " Chân thành cảm ơn Bà !