Cần có quy định điều khoản cụ thể để công đoàn chăm lo đến đời sống vật chất tinh thần của người lao động và thực sự hấp dẫn người lao động.
Chiều 22/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015, quy hoạch sử dụng đất 2011-2020 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)
Thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đa số nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn là phù hợp thực tiễn cuộc sống hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động là chức năng bẩm sinh của công đoàn; đồng tình với ý kiến của Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự án Luật sửa đổi này cần có quy định điều khoản cụ thể để công đoàn chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và thực sự hấp dẫn người lao động.
Cần có cán bộ công đoàn chuyên trách và tăng kinh phí công đoàn lên 2%
Đại biểu Hồ Thị Thuỷ (đoàn Vĩnh Phúc) nhất trí việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách trong cơ quan. Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có từ 500 lao động phải có ít nhất một cán bộ công đoàn chuyên trách. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, luật cần quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ công đoàn chuyên trách như cán bộ công chức.
“Việc không có cán bộ không có cán bộ công đoàn chuyên trách ở các cơ quan nói trên là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho hoạt động công đoàn khó khăn và có những yếu kém”, đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận định.
Đại biểu cũng nhất trí với quy định đối với cơ quan tổ chức đơn vị, doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên được bố trí ít nhất một cán bộ công đoàn như quy định của dự thảo luật này là phù hợp bởi khi chưa có quy định này nhiều nơi có số lao động từ 500 công nhân chưa có cán bộ công đoàn chuyên trách. “Do vậy việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách được quy định trong luật lần này là rất quan trọng nếu bố trí được ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì càng tốt”, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị thống nhất nội dung này trong quy định của Bộ Luật Lao động.
Đại diện cho người lao động, đại diện cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Nhiều đại biểu cho rằng trong điều kiện nhiều doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn như hiện nay việc quy định công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền vận động người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ra nhập công đoàn và thành lập công đoàn là phù hợp và cần thiết như vậy công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động có dưới 20 lao động và có trên 20 lao động ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhưng chưa thành lập công đoàn trong thời hạn 6 tháng từ ngày hoạt động.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp có số lao động dưới 20 lao động chiếm 80% số doanh nghiệp và có mối quan hệ gia đình thì công đoàn cấp trên bảo vệ như thế nào, đại biểu đề nghị ban soạn thảo sớm có quy định cách thức để bảo vệ, chăm lo cho người lao động đối với trường hợp này.
Về trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, đại biểu Hồ Thị Thuỷ đề nghị, do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức thực hiện vì cán bộ công đoàn do giới chủ trả lương sẽ rất khó đứng về phía người lao động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Luật cũng cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ công đoàn không chuyên ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có dưới 500 lao động để tránh doanh nghiệp bố trí người không có năng lực làm công tác công đoàn.
Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến, đó là vấn đề tài chính công đoàn, do đặc thù hoạt động của tổ chức công đoàn nhiều đại biểu nhất trí với quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng mức phí 2% với lý do: thứ nhất, kế thừa quy định của luật hiện hành thu phí 2% tạo điều kiện tốt để hoạt động công đoàn có hiệu quả cho người lao động như động viên khen thưởng thi đua… thứ hai, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thứ 3 tạo mối quan hệ gắn bó trách nhiệm giữa người lao động người, người sử dụng lao động với công đoàn bởi có kinh phí công đoàn sẽ phải có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng quỹ công đoàn hiệu quả để chăm lo trở lại cho người lao động.
Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) cho rằng nên quy định về quyền gia nhập tổ chức công đoàn của lao động nước ngoài. Theo đại biểu Nam quan hệ lao động giữa người lao động người lao động nước ngoài với người sử dụng lao động có những mâu thuẫn và lao động nước ngoài đã phải nhờ đến công đoàn địa phương can thiệp để bảo vệ quyền lợi. Do đó, đại biểu tán thành việc kết nạp người nước ngoài đang lao động và sinh sống hợp pháp tại Việt Nam được gia nhập tổ chức công đoàn Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Thuỷ (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị quy định lao động là người nước không được tham gia tổ chức công đoàn Việt Nam vì theo quy định của Hiến pháp, nếu kết nạp người nước ngoài vào tổ chức công đoàn thì họ sẽ được thực hiện các quyền của người lao động như tham gia các tổ chức, các hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang) nêu lý do thứ nhất, quản lý nhà nước về lao động ngành dọc ở nước ta còn hạn chế để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, không nên kết nạp người nước ngoài. Thứ hai, việc công đoàn viên người nước ngoài tham gia giám sát quản lý nhà nước là không hợp lý.
Cho ý kiến về quyền tổ chức đình công của tổ chức công đoàn, đại biểu Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang) nêu chưa có một cuộc đình công nào do công đoàn và đại diện tập thể lao động và những nơi có tổ chức công đoàn tổ chức và lãnh đạo thành công một cách hợp pháp. Đề nghị cần thiết có sự sửa đổi một cách toàn diện các quy định về pháp luật đình công. Mặt khác, Luật Công đoàn cần có quy định rõ về công đoàn trong tổ chức lãnh đạo đình công, nhất là quyền và nghĩa vụ của các cấp trong tổ chức lãnh đạo đình công, đại biểu đề nghị có thể thành lập thành một chương công đoàn tổ chức lãnh đạo đình công trong Luật Công đoàn chứ không nên chỉ quy định một khoản, từ đó mới thấy rõ vai trò của công đoàn trong việc đình công đúng theo pháp luật.
Thông qua Nghị quyết kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
Trước đó, với 434 đại biểu biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 86,80%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011-2020.
Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011-2020.
Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011-2020 quyết nghị, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) sau 10 năm đã đạt được những kết quả tích cực: tăng cường một bước hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai… Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã khoanh định quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu đất để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và phát triển đô thị đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Với mục tiêu quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai theo quy hoạch; Bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biển đổi khí hậu và nước biển dâng; Phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; theo đó, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia, tập trung vào 3 chỉ tiêu quan trọng là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng.
Dự thảo Nghị Quyết cũng nêu rõ 8 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trong đó Quy hoạch, kế hoach của các ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội quyết định; Xác định ranh giới và công khai diện tích đất lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; đổi mới cơ chế quản lý sử dụng đất nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai; tăng cường đầu tư cho công tác điều tra cơ bản về đất đai nhằm nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của từng cấp trong quản lý, sử dụng đất; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, đảm bảo việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch; Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai nhằm đổi mới và nâng cao hiệu lực pháp lý của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Quyết nghị của dự thảo Nghị quyết này cũng chỉ rõ, giao Chính phủ phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia, chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, đất của các địa phương và hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết này./.
(VOV)
(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét