Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Quốc hội thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và tư pháp


Ngày 26/10, thảo luận tại Hội trường về công tác phòng chống tội phạm và tư pháp, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc phòng chống tội phạm phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể xã hội chứ không phải của riêng ngành công an hay các cơ quan tư pháp.

Trước đó, chiều 25/10, Quốc hội đã nghe các báo cáo phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, báo cáo công tác thi hành án và đặc xá và báo cáo thẩm tra các báo cáo trên của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII

Các đại biểu đều cơ bản đồng tình với các báo cáo trên và cho rằng Chính phủ, các cơ quan tư pháp các cấp đã có sự nỗ lực trong việc phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), cử tri hoan nghênh Bộ Công an đã giải quyết nhanh, gọn những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua, tạo nên sự tin tưởng của nhân dân đối với lực lượng công an.

Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn về tỷ lệ tội phạm có xu hướng tăng (chỉ có tội phạm giết người và mua bán trẻ em là giảm) cả về số lượng và mức độ nguy hiểm, phức tạp. “Điều này đang đặt ra những vấn đề bức xúc về an ninh trật tự”, đại biểu Trịnh Xuyên (Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa) nói.

Báo cáo của Bộ Công an cũng cho biết hiện đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như tội phạm công nghệ cao, tội phạm môi trường, nhiều tội phạm sử dụng súng để gây án… Lứa tuổi dưới 18 phạm tội gia tăng, có xu hướng lập băng nhóm để phạm tội rất phức tạp…

Nguyên nhân của việc gia tăng tỷ lệ tội phạm là do công tác phòng ngừa chưa được chú trọng, việc quản lý con người trong các cơ quan, tổ chức xã hội và trong gia đình còn lỏng lẻo, trang thiết bị hỗ trợ phòng chống tội phạm còn thiếu do đầu tư không tương xứng, xử lý còn chưa đủ sức răn đe, phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt…

Từ đó, các đại biểu đề nghị cần tăng cường đầu tư cho lực lượng phòng chống tội phạm về nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ… Đối với lực lượng công an đảm nhận công việc nguy hiểm thì cần có cơ chế hỗ trợ phụ cấp cao hơn hẳn các đơn vị khác để họ yên tâm công tác…

Các đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng nên hoàn thiện pháp luật về xử phạt các vi phạm như tội phạm môi trường, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục phổ biến pháp luật…

Bên cạnh đó, từ số liệu trên 90% các vụ phạm tội do nguyên nhân xã hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng cần nâng cao đạo đức xã hội để hạn chế tội phạm. Đa số các đại biểu cho rằng cần phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức xã hội, nhân dân để phòng, chống tội phạm.

Để huy động nhân dân vào phòng chống tội phạm, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị cần có chính sách bảo vệ người tố giác tội phạm, tăng hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm để làm chỗ dựa cho nhân dân, nghiêm trị người lợi dụng việc khiếu nại tố cáo để kích động, gây rối trật tự xã hội.

Ngoài ra một số đại biểu cho rằng tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, kiềm chế lạm phát cũng sẽ góp phần giảm tỷ lệ tội phạm.

Bàn về công tác đặc xá, các đại biểu cho rằng các cơ quan đã làm tốt việc này. Vừa qua hơn 10.500 phạm nhân được đặc xá đã về địa phương, tìm được việc làm và dần hòa nhập cộng đồng, chỉ có 2 người tái phạm.

Về thi hành án, đặc biệt là thi hành án dân sự vẫn còn tồn đọng nhiều vụ án liên quan đến đất đai, kinh tế, dẫn đến tồn đọng tiền cần xử lý, thu hồi. Đại biểu Trần Xuân Tùng (Hà Nam) cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan công an với các cơ quan tư pháp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án… để hạn chế sai sót trong các quá trình này.

Về công tác xét xử của Tòa án, số vụ án bị Viện kiểm sát kháng nghị chiếm tới 60%. Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) cho rằng ngành Tòa án cần đánh giá nguyên nhân của vấn đề này. “Đó có phải do trình độ thẩm phán và đặc biệt là có tiêu cực hay không?”, đại biểu này nói.

Nhiều đại biểu cũng nhận định trình độ của thẩm phán hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xét xử. Do đó các đại biểu cũng đề nghị tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ngành tòa án. Tòa án nhân dân tối cao cũng cần được quy định chức năng đào tạo chuyên ngành. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất cho ngành Tòa án, có ưu đãi cho nhân viên gia nhập ngành tư pháp nhất là ở vùng sâu, vùng xa…

Thành Chung

(theo chinhphu)


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét