Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội


Trong 2 ngày từ 10-11/3/2011, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 13 nhằm nghe Chính phủ báo cáo về quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm Xã hội năm 2010 (một số vấn đề qua 3 năm giám sát 2008 – 2010); tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2010; Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm năm 2011 và dự kiến 5 năm 2011 – 2015; Chương trình mục tiêu về y tế và dân số giai đoạn 2006 – 2010 và đề xuất chương trình mục tiêu giai đoạn 2011 – 2015. Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, các Bộ: Nội vụ, Tài Chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Quốc Phòng, Công An, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và một số cơ quan liên quan khác.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình  quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2010; báo cáo về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2010 và chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm năm 2011 và dự kiến 5 năm 2011 – 2015.

Các đại biểu và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, đã có tiến triển tích cực hơn so với những năm trước, cụ thể như: gia tăng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thu quỹ tăng mạnh, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện tương đối khả quan so với dự báo. Năm 2010 cả nước đã có gần 9,343 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, tăng 6% so với năm 2009. Tổng quỹ thu BHXH ( không kể bảo hiểm thất nghiệp, BHYT được tách riêng) năm 2010 là 49.628 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2009. Về chi quỹ BHXH trong năm 2010 cũng đạt 36.711 tỷ đồng, bằng 73,4% tổng thu, trong đó quỹ hưu trí, tử tuất bằng 81% tổng số thu (32.023/39.703), còn quỹ ốm đau, thai sản chi hết 60% tổng quỹ thu được (4.444/7.4444 tỷ đồng) và quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hết 10% tổng quỹ thu được ( 244/2.481 tỷ đồng). Mức tiền lương bình quân chung đóng BHXH là 2,159 triệu đồng người/tháng, tăng 16% so với năm 2009. Trong đó, khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp trong nước là 1.827 triệu đồng/người/tháng, lực lượng vũ trang là 4,783 triệu đồng/người/tháng, thực hiện chế độ chi đúng quy định, kịp thời góp phần ổn định tình hình chính trị – xã hội.

Về báo cáo mục tiêu quốc gia  về bình đẳng giới năm 2010, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và các đại biểu cho rằng: Báo cáo của Chính phủ được thực hiện trong bối cảnh Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2011 – 2020 mới được ban hành, do đó nội dung của báo cáo tiếp tục nhận định, đánh giá các hoạt động của Chính phủ trong việc triển khai thi hành chính sách, pháp luật BĐG và việc thực hiện chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010. Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng Chính phủ đã nghiêm túc chuẩn bị báo cáo, cung cấp tương đối đầy đủ thông tin có liên quan, nêu rõ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, kiến nghị về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng việc thực hiện chính sách, pháp luật bình đẳng giới trong năm 2010 đã có chuyển biến so với năm 2009. Bà cũng khẳng định, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ. Kết quả của các nỗ lực này đã được thể hiện qua 2/3 chặng đường thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và đang phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu vào năm 2015.

Ngoài ra, các đại biểu cũng ghi nhận những kết quả và nỗ lực của Chính phủ đã xây dựng được các chiến lược và mục tiêu quốc gia cụ thể về bình đẳng giới để có kế hoạch triển khai và phấn đấu đạt chỉ tiêu; đề ra được nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được triển khai khá tốt; việc tổ chức lồng ghép giới trong các chương trình có tiến bộ; công tác thống kê, thông tin và báo cáo bình đẳng giới cũng thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.

Ủy ban cũng kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới cần tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020; lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực không phù hợp với các nguyên tắc bình đẳng giới theo quy định của pháp luật. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về luật bình đẳng giới và công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phân tích giớp, lồng ghép cho các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở Trung ương và địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.

Về báo cáo Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, Ủy ban về các vấn đề xã hội cơ bản nhất trí với các nội dung trong báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Báo cáo cũng đã thể hiện được các nội dung, chương trình mục tiêu cụ thể trong kế hoạch triền khai thực hiện năm 2011 và dự kiến 5 năm 2011 – 2015. Theo đó, trong năm 2011, tổng vốn ngân sách Trung ương cấp cho Chương trình là 2.894 tỷ đồng, được phân bố cho các dự án cụ thể như: Đổi mới phát triển dạy nghề 1.350 tỷ đồng; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn 1000 tỷ đồng; vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm 280 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển thị trường lao động 204 tỷ đồng; hỗ trợ  đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 20 tỷ đồng và nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát đánh giá chương trình 40 tỷ đồng.

Mục tiêu chung của chương trình là hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và phát triển thị trường lao động giai đoạn 2011 – 2015 đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt ở khu vực nông thôn và khu vực phi chính thức. Trong đó, hỗ trợ việc làm cho 1 – 1,2 triệu lao động qua các dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm mỗi năm. Mỗi năm đưa được khoảng 80 -100 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 30 – 40 ngàn lao động là lao động nghèo, đối tượng chính sách (trong đó có 10 ngàn lao động thuộc các huyện nghèo).

Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe Bộ Y tế  trình bày báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số giai đoạn 2006 – 2010 và đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015./.


(Theo www.nguyenthikimngan.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét