Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có quyền huy động lực lượng dự trữ tại các Tập đoàn, Tổng công ty của nhà nước.
Chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp bàn cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị UBTV quyết định đưa vào chương trình họp 126 dự án, trong đó có 116 dự án luật.
Trong bản đề nghị của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (chương trình chính thức) đề cập đến 8 dự án. Trong đó các dự án trọng tâm gồm:
Một là, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Luật sẽ tập trung vào việc bổ sung một số vấn đề, trong đó sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, khắc phục “kẽ hở” của ác quy định hiện hành như về ân hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế..
Hai là, dự án Luật giá (đưa vào kỳ họp thứ 3). Luật sẽ bổ sung quy định cơ chế cạnh tranh về giá, nguyên tắc, căn cứ định giá, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đồng thời, quy định cụ thể về biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định tài khóa, tiền tệ; bổ sung quy định về sử dụng Quỹ bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá, các biện pháp đảm bảo tính khả thi của quy định về chống bán phá giá, việc kiểm soát giá độc quyền về đối tượng phải kiểm soát, các biện pháp kiểm soát…
Ba là, dự án Luật Dự trữ quốc gia. Dự luật này sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh đến các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có quyền huy động lực lượng dự trữ tại các Tập đoàn, Tổng công ty của nhà nước.
Các dự án luật còn lại có dự án Luật Đầu tư công, dự án Luật mua sắm công, dự án Luật phí, lệ phí, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cua Luật ngân sách nhà nước. Cuối cùng là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán nhà nước.
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước đề nghị đã được đưa vào Chương trình chính thức năm 2012.
Phát biểu trước UBTV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, một khi Luật đã đưa ra là phải đảm bảo tính khả thi, đưa ra 115 luật thì ít ra cũng phải làm được 110 luật. Luật hiện nay theo ông Hùng không có tính dài hạn, và đặt vấn đề “vì sao lại đưa vào rút ra nhanh như thế?”.
Bích Diệp
(theo DVT)
(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét