Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Con đường “Nam quốc sơn hà” kỳ 2: Cuộc ra quân “nhớ đời”


Nhắc đến những ngày đầu gian khó mở đường, không thể không kể đến chuyến hành quân đầu tiên mà các giám đốc, kỹ sư trẻ đã gọi vui là “một giấc mơ kinh hoàng”. Đó là một ngày mùa thu năm 2007, họ từ thành phố, đồng bằng lần đầu tới Tây Nguyên để nhận tuyến đường mình sẽ làm. Trước đó, hầu hết anh em đều mới chỉ biết về Trường Sơn qua sách báo, phim ảnh…

Cuộc ra quân đầu tiên

Quyết định của Thủ tướng ban hành tháng 3-2007 nhưng phải đến gần nửa năm sau, các thủ tục pháp lý cho việc triển khai con đường vẫn chưa xong, dù đã qua tới 69 lần phê duyệt. Lúc này, Thiếu tướng Hoàng Kiền được điều động về làm Giám đốc Ban Quản lý dự án 47. Ông nóng ruột không chịu ngồi chờ thủ tục. Tiền trái phiếu là tiền vay của dân, chậm ngày nào, thiệt cho ngân sách ngày đó. Phải “vừa làm vừa báo cáo” thôi! Một ngày mùa thu năm 2007, ông quyết định: Triệu tập các nhà thầu vào ngay Tây Nguyên nhận tuyến. Trong tổng số 18 đơn vị công binh và 60 doanh nghiệp quân đội làm đường tuần tra biên giới, có tới hơn 40 đơn vị ra quân lần đầu trên các cánh rừng Tây Nguyên.

“Ra quân ư? Chúng tôi phấn chấn vì nhiệm vụ vẻ vang và các gói thầu đều có giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm lớn”- Anh Nguyễn Trọng Nguyện, Chỉ huy trưởng Công trường khu vực Dục Nông (Kon Tum) của Công ty Hương Giang (Binh đoàn Hương Giang) nhớ về những ngày đầu gian khó.

Không riêng gì Nguyện, hàng trăm giám đốc, phó giám đốc, chỉ huy trưởng công trường, kỹ sư… đều háo hức, kẻ lên xe con, người đáp máy bay vào ngay Tây Nguyên. Địa điểm tập kết của đoàn là Nhà khách Binh đoàn Tây Nguyên nằm giữa thành phố Plei-cu. Nguyện cùng anh Chung, giám đốc và vài kỹ sư khác nhảy lên chiếc Land Cuirser dã chiến, phóng một mạch từ Hà Nội vào Gia Lai. Nghe nói đến núi rừng, bản tính vốn lo xa, Nguyện xếp cả lên xe một thùng mì ăn liền và một cái bếp ga du lịch. Ai cũng bảo anh “hâm”, “tích cốc phòng cơ” không cần thiết giữa thời buổi kinh tế thị trường. Kệ! Nguyện cứ đưa hết lên xe. Chẳng dùng thì lại chở về!

kon tum

Các kỹ sư trẻ và Đại tá Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty 789 (người ngồi hàng sau, cầm gậy) trong lần đi nhận tuyến năm 2007, tại Ia Lân (Kon Tum). Ảnh: Đức Thuận.

Nhà khách Binh đoàn Tây Nguyên vui như mở hội. Xe con đỗ chật sân. Cà phê Trung Nguyên thơm ngào ngạt. Các giám đốc, kỹ sư tươi cười hớn hở. “Nghiêm! Chỉnh đốn trang phục…” – khẩu lệnh của vị tướng người xương xương, dáng đi thoăn thoắt khiến ai nấy giật mình. Một cuộc họp diễn ra với những tình huống trắc nghiệm:

- Anh em, có anh nào đã qua chiến tranh chống Mỹ, giơ tay?

Nhìn mãi cả hội trường, chỉ có một người, anh Trọng – Đoàn trưởng 728 (Binh đoàn 16), vốn là bộ đội đặc công đánh Mỹ.

- Anh em nào đã có kinh nghiệm mở đường giữa rừng đại ngàn Trường Sơn?

Lác đác vài cánh tay giơ lên cho biết đã tham gia làm đường Trường Sơn Đông, đường vành đai biên giới cũ.

- Nếu đi trong rừng gặp vắt thì phải làm gì?

Lắc đầu.

- Nếu gặp rắn lục, xử trí ra sao?

- Nếu đi trong rừng hết nước uống, thức ăn thì làm gì?

Lại lắc đầu và… lắc đầu.

Thế là mất cả một ngày trời để cuộc họp triển khai nhiệm vụ trở thành một cuộc tập huấn kinh nghiệm đi rừng. Thiếu tướng Hoàng Kiền trở thành giáo viên bất đắc dĩ, truyền thụ tỉ mỉ, hướng dẫn từ cách mắc tăng, võng đến cách xử trí khi gặp thú dữ, lạc rừng…

Bốn giờ sáng. Một hồi còi réo vang trong sân nhà khách. Sau bữa sáng nhanh gọn với mì ăn liền, mệnh lệnh hành quân được hạ đạt uy nghiêm như lên đường chiến đấu. Hàng trăm giám đốc, kỹ sư trẻ hàng ngũ chỉnh tề, ba lô, tăng võng đầy đủ lên đường, nhằm hướng những cánh rừng Tây Nguyên xa hút.

Nhóm của Nguyện tới cánh rừng Dục Nông, huyện Đắk Glây (Kon Tum) khi đã xế trưa. Nhìn rừng núi bạt ngàn, toàn cây cổ thụ và dây leo chằng chịt, anh bàn với nhóm của Công ty ACC đi…chung cho đỡ… “sợ”. Gửi xe ô tô ở Đồn biên phòng 673, hai đoàn lên đường với quyết tâm: “Sáng đi, chiều về”. Họ còn đặt cỗ, nhờ đồn biên phòng sắp giúp để chiều về ăn mừng thắng lợi.

Đòn cân não người chỉ huy

Dẫn đầu nhóm của Binh đoàn 12, với kinh nghiệm đi rừng Trường Sơn từ những năm chiến tranh, Thiếu tướng Hoàng Kiền giao tuyến xong khá sớm, quay ra dùng bữa tối tại thị trấn Đắc Glây. Ông tranh thủ liên hệ điện thoại với các đơn vị. Hầu hết các đơn vị đều hoàn thành, chỉ còn hai nhóm của Công ty Hương Giang và Công ty 36 vẫn chưa liên lạc được. Vị tướng mặt dần tái đi vì lo lắng.

21 giờ, vẫn chưa thấy tăm hơi hai nhóm đâu. Ở Đồn biên phòng 673, các mâm đầy ắp thức ăn nhưng không ai ăn. Tất cả kéo nhau vào rừng tìm kiếm suốt đêm nhưng không thấy tăm hơi. Anh em biên phòng nhận định, có lẽ đoàn đã lạc sang rừng nước bạn Lào. Mà rừng nước bạn còn rậm rịt, hoang vắng, còn cả hổ, báo, thú dữ, chẳng biết điều gì xảy ra. Anh Chung, Giám đốc Công ty Hương Giang bật khóc vì lo lắng. Trong số cán bộ đi nhận tuyến, có người em ruột của Chung…

Cả ngày hôm sau, các cuộc tìm kiếm vẫn không cho thấy kết quả gì…

Lại thêm một đêm nữa, Thiếu tướng Hoàng Kiền không ngủ được. Đã hướng dẫn tỉ mỉ thế, sao anh em lại lạc rừng? Hay sự cố xấu nhất xảy ra? Họ gặp thú dữ ăn thịt hay tai nạn đá rơi, trượt xuống vực? Nếu anh em có mệnh hệ gì, tuyến đường chưa mở mà một lúc mất cả chục cán bộ, biết ăn nói sao với thủ trưởng Bộ Quốc phòng, với Thủ tướng?

duong bien gioi

Trên đường tuần tra biên giới, những người lính làm việc suốt đêm. Ảnh: Vũ Quang Thái

Trở lại với chuyến đi của Nguyện và anh em. Họ lội bộ vào rừng, càng đi rừng núi càng chênh vênh, trơn trượt, âm u, ẩm ướt. Nhiều chỗ phải nắm dây leo mà đu. Không ai bảo ai, họ bắt đầu vứt bớt đồ đạc cho đỡ nặng. Có anh chàng dùng chiếc thắt lưng da cá sấu còn mới cũng cởi ra…vứt! Càng vào sâu, rừng càng ẩm, vắt ra càng nhiều. Chúng bò lổm ngổm trên lá, tinh ranh chui vào chân, vào cổ, vào nách làm cánh lính trẻ kinh hoàng. “May mà hôm đó không gặp rắn! Sau này ở lại làm đường, chúng tôi mới biết vùng Dục Nông này rất nhiều rắn xanh” – anh Nguyện kể. Có cậu lái xe của Công ty ACC bị rắn chui vào ba-lô, lúc về mở ba-lô lấy quần áo thì bị rắn đớp, may mà đi cấp cứu kịp thời. Còn ở đơn vị Nguyện, có đêm mưa, anh Bắc cấp dưỡng dậy sớm nấu ăn cho anh em, anh quờ phải thứ gì bùng nhùng cạnh bao gạo, bực mình lẩm bẩm:

- Ai sửa xe, sửa máy gì mà cẩu thả vứt cả dây cu-roa vào bếp thế này?

Anh cáu tiết quay “sợi dây cu-roa” vào chỗ gần bếp lửa thì sợi dây cu-roa bỗng… biết đi. Trời ơi! Một con rắn lục đang ngóc đầu lên, thao láo nhìn anh.

Sau những chuyện kinh hoàng ấy, mỗi lần công trường di dời đến đâu, Nguyện đều phải mua hàng bó dây cao su phát cho anh em, đề phòng rắn cắn còn ga-rô kịp thời.

Trở lại với cuộc hành quân, đi, đi mãi vẫn chỉ thấy rừng mù mịt, Nguyện lo lắng hỏi Tuấn, người của đơn vị khảo sát:

- Cậu khảo sát trước thế nào mà đi hoài chẳng thấy đường. Xem lại kẻo lạc đấy!

Lúc này máy định vị GPS mới được Tuấn mở ra xem vì sợ hết pin. Dù sóng rất chập chờn nhưng máy cũng đủ báo đoàn đang lạc sang nước bạn Lào. Tất cả hoảng hốt tìm đường quay về. Rừng chiều sụp tối rất nhanh. Chỉ còn tiếng nai, tiếng hoẵng và những âm thanh kì dị của rừng đêm. Những chai nước cuối cùng đã cạn. Những chiếc đèn pin cuối cùng rồi cũng hết pin. Cả đoàn đành dừng chân. Khát khô cổ. Đói cồn cào. Bây giờ, họ mới ân hận vì sao nỡ ném nước, ném lương khô đi. May mà Nguyện còn nhớ lời tướng Hoàng Kiền dặn hôm qua. Nếu hết nước uống, cứ tìm cây bương (tre rừng), chặt ra, bên trong sẽ có nước uống được. Về cái ăn, lúc này thùng mì ăn liền và cái bếp ga Nguyện mang theo thật là quý hơn vàng. Chặt từng cây bương, nấu từng bát nước, cả nhóm cũng được mỗi người một bát mì lót dạ. Ăn xong, cả nhóm tìm cây cối, mắc võng sát nhau, không dám đốt lửa vì sợ rắn, thú dữ tìm về. Cả nhóm ai nấy trùm kín tăng, áo mưa, đi nguyên giày nằm co ro trên võng. Đêm rừng khuya hoang vắng, thi thoảng lại nghe tiếng sột soạt, lạo xạo nửa giống bước chân người, nửa giống bước chân thú đi trên lá. Nhiều anh thú nhận buồn đi tiểu nhưng không dám dậy vì sợ đụng rắn…

Một đêm nặng nề rồi cũng trôi qua.

Sáng hôm sau, cả nhóm lên đường, lại xuyên rừng đi ra. Họ đi mãi, đi mãi đến quá trưa thì cậu Tuấn reo lên:

- Nương lúa Việt Nam các anh ơi!

- Sao cậu biết là nương Việt Nam?

- Nương nhiều lúa, rộng và dài thế kia là bên Việt Nam mình rồi. Bà con bên Lào không có nương lớn thế.

Nghe Tuấn lý giải, cả nhóm reo lên sung sướng. Chiều hôm ấy thì họ tìm ra tuyến đường theo đúng bản đồ thiết kế rồi tìm vào được một bản gần đó. Có dân là có tất cả. Anh em nhờ trưởng bản nấu giúp một bữa cơm. Buổi tối thứ hai sau bữa cơm ngon tuyệt vời, cả nhóm đánh một giấc say như chết, chưa thể liên lạc về vì nơi này chưa có điện thoại. Mãi đến chiều hôm sau, họ mới tìm về tới Đồn biên phòng 673 trong niềm vui sướng vỡ òa của mọi người. Anh Chung ôm lấy anh em, nước mắt rưng rưng.

Nhóm của Công ty 36 (Binh đoàn 11) bị lạc rừng vì một lý do thật đơn giản. Cấp trên đã dặn dò đi rừng tới đâu phải phát cây đánh dấu tới đó nhưng rồi họ lại ngại. Để rồi, càng đi vào sâu, càng mất dấu. Hai đêm, mấy chàng lính trẻ “gà tồ” được một trận nhớ đời. Chẳng có gì ăn ngoài gói lương khô mang theo, các chàng cầm cự ăn dè với uống nước ống bương. Đêm đầu tiên, cả nhóm ngồi đốt lửa thay nhau cảnh giới bốn phía, không anh nào dám ngủ vì sợ thú dữ “vồ”. Hai ngày sau, họ mới lần mò tìm được đường ra an toàn…

Những gian khổ ấy mới chỉ là một phần rất nhỏ so với những thử thách mà người lính mở đường phải đương đầu trong những năm tháng sau đó…

PV.


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét