Ngày 11/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến khảo sát thực tế tình hình triển khai và ứng dụng CNTT tại các cơ quan Nhà nước tại tỉnh Bình Định. Đây là điểm cuối cùng trong đợt kiểm tra tình hình ứng dụng và phát triển CNTT tại các tỉnh Nam Trung bộ của Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT.
Thăm và kiểm tra công tác ứng dụng CNTT tại UBND TP. Quy Nhơn, Sở Tài chính Bình Định và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên in Bình Định, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Bình Định là một trong những địa phương thuộc Nam Trung bộ có nhiều quan tâm tới CNTT, từ đó đã có những triển khai và ứng dụng thành công CNTT vào các hoạt động quản lý và sản xuất.
Bình Định cần chọn một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn có triển vọng như du lịch, văn hóa, phát triển thị trường lao động… để đưa những ứng dụng CNTT vào khai thác.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bình Định không nên đầu tư vào xây dựng mạng trục, cáp quang về các xã, huyện, nên sử dụng chung hạ tầng mạng này của các doanh nghiệp CNTT đã có.
Trước tháng 8/2011, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định có kế hoạch đăng ký tham gia vào các dự án CNTT cấp quốc gia với Bộ Thông tin và Truyền thông để tạo kinh phí hoạt động hàng năm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ cần nghiên cứu sửa đổi và hướng dẫn các tiêu chuẩn tuyển dụng cán bộ, công chức vào cơ quan Nhà nước để hoạt động trong lĩnh vực CNTT, thời gian trong tháng 8/2011.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bình Định cần chủ động rà soát lại năng lực đào tạo nhân lực về CNTT, triển khai việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhất là đối với CNTT cho tỉnh nhà.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định, trong 26 cơ quan Nhà nước cấp tỉnh được điều tra có 100% cơ quan có mạng nội bộ (LAN), 83% cán bộ công chức có máy tính sử dụng thường xuyên.
Đối với cấp huyện, 100% UBND cấp huyện có mạng nội bộ, 62,8% cán bộ, công chức có máy tính sử dụng.
Tính đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị được trang bị hệ thống thư điện tử với tên miền binhdinh.gov.vn và số cán bộ công chức được cung cấp tài khoản thư điện tử là 1.405 tài khoản.
Công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước thời gian qua đã có tác động tích cực, từng bước góp phần làm thay đổi thói quen và lề lối làm việc cũ, chuyển dần sang phong cách làm việc mới thông qua môi trường mạng.
Tuy nhiên, kết quả điều tra thực tế cho thấy hầu hết hệ thống mạng LAN đã triển khai tại các cơ quan nhà nước đều được đầu tư và trang bị trong giai đoạn 2001-2005, do vậy nhiều trang thiết bị đã lạc hậu, một số hệ thống đã bị hỏng, cấu hình không đảm bảo cho các ứng dụng triển khai trong giai đoạn hiện nay nhưng chưa được đầu tư thay thế.
Một trong những yếu tố làm chậm quá trình phát triển về CNTT của Bình Định là do nhận thức về vai trò của CNTT trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, CBCC vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ. Nhiều cán bộ vẫn không sử dụng máy tính và internet trong công việc.
Các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp chủ yếu ở các mức độ thấp (mức độ 1, 2). Hầu hết UBND cấp huyện đã xây dựng trang thông tin điện tử nhưng thông tin còn quá đơn giản và thiếu cập nhật; nhiều trang thông tin điện tử có cấu trúc và các yêu cầu về kỹ thuật chưa đảm bảo theo quy định.
Ban Chỉ đạo CNTT Bình Định kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ Bình Định xây dựng và hoàn thiện mô hình chính phủ điện tử trên nền tảng các phần mềm nguồn mở và công nghệ điện toán đám mây, hỗ trợ nguồn lực để Bình Định xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu nhằm đảm bảo triển khai thành công công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước.
Đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phổ biến, giới thiệu các mô hình mẫu về mô hình chính phủ điện tử đã được triển khai thành công tại các tỉnh thành trong và ngoài nước để các đơn vị học tập, rút kinh nghiệm.
Từ Lương
(Theo www.nguyenthikimngan.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét