Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén


Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

hop quoc hoi

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hôm nay (30/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, một số giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2011.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, bước vào năm 2011, trên cơ sở các đánh giá, dự báo và nhận thức rõ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra với nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2011.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH trong nước và quốc tế những tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP và báo cáo Bộ Chính trị ra Kết luận 02/KL-TW và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/NQ-QH12, với các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mức bội chi thấp nhất mấy năm gần đây

Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện những “điểm sáng” như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,3% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng, xuất khẩu tăng cao gấp 3 lần kế hoạch, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ…

Kết quả thu – chi ngân sách nhà  nước 6 tháng đầu năm cho thấy, hết tháng 6/2011 tổng thu ngân sách đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự  toán. Chi ngân sách đạt 355.600 tỷ đồng, đạt 49% dự toán. Như vậy, bội chi ngân sách 6 tháng là 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Đây là mức bội chi thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Đặc biệt, thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định; thu chi ngân sách đạt khá, bội chi giảm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đang chậm lại; cắt giảm đầu tư công có hiệu quả nhưng vẫn tăng đầu tư cho “tam nông”; đã có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tăng giá của thị trường bất động sản; an sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; quốc phòng – an ninh được tăng cường và giữ vững…

Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là, lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tăng trưởng đạt thấp; thị trường chứng khoán sụt giảm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn…

Phấn đấu một số chỉ tiêu cơ bản

Về những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho rằng, cần tập trung quyết liệt vào điều hành một số chính sách lớn như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, cần thực hiện nhất quán chủ  trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng cũng như chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm để nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với chính sách thương mại, giá cả, thị trường, tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, ổn định thị trường, bảo đảm ổn định cung – cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện kiên trì và nhất quán điều hành giá xăng dầu, điện, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Với việc ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cho rằng, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản năm 2011 là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Cần những giải pháp chiến lược dài hạn, vững chắc hơn

Thảo luận về  các báo cáo trên, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, sự điều hành của Chính phủ đã tạo niềm tin của nhân dân, nhất là đối với các chính sách an sinh xã hội, tạo ổn định về mặt chính trị - xã  hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhìn nhận, những kết quả về KT-XH trên chỉ mới là kết quả bước đầu. Nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức, khó khăn, do đó, cần có những giải pháp kiên quyết hơn nữa.

Báo cáo thẩm tra của  Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, song song với những giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn, Chính phủ  cần chú trọng đến các giải pháp chiến lược mang tính dài hạn như công tác quy hoạch, kế hoạch, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, hạn chế nhập siêu, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, minh bạch hóa hệ thống tài chính, tránh đầu cơ, tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, cần tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh quản lý về giá cả, thị trường.

Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bên cạnh những “điểm sáng” về thu ngân sách, tăng xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp…, nền kinh tế nước ta cũng nổi lên những vấn đề lớn cần sớm được khắc phục. Đó là lạm phát tăng cao, lãi suất huy động và cho vay đều tăng, nhập siêu vẫn cao…

Vì thế, với 6 tháng cuối năm cần tính toán các tình huống khác nhau của nền kinh tế để có giải pháp vững chắc hơn. Bên cạnh đó, tăng tính đối thoại, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hữu quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông


Ngày 27-6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trả lời báo chí Việt Nam về cuộc gặp của Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 25-6-2011. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

dao da tay

Đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam

* Phóng viên: Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, với tư cách là đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung Thông điệp của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam?

ho xuan son

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn.

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Thông tin về chuyến đi đã được báo chí đưa tin, còn nội dung Thông điệp tập trung vào 3 điểm chính sau:

1. Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và thế giới.

2. Bày tỏ quan ngại về những vụ việc vừa qua ở Biển Đông; đồng thời khẳng định rõ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, đề nghị các bên nghiêm túc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” DOC, giải quyết tranh chấp và các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

3. Nêu một số kiến nghị cụ thể về việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như việc duy trì tiếp xúc cấp cao, tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội.…

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết rõ những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, về việc giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị là gì?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10-2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc. Theo đó, hai bên khẳng định quan tâm gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, “tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), duy trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp. Trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Hai bên đồng ý, với nguyên tắc dễ trước khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước”.

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết tiến trình đàm phán “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Như các bạn đã biết, sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cuối tháng 12-2008, ta và Trung Quốc đã thỏa thuận chuyển trọng tâm đàm phán về công tác biên giới lãnh thổ sang vấn đề trên biển. Hai bên nhất trí trước khi đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể cần đàm phán ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Đó là những định hướng lớn, quan trọng mà hai bên cần tuân thủ.

Với tinh thần đó, từ đầu năm 2010 đến nay, ta và Trung Quốc đã tiến hành 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Hai bên đã trao đổi ý kiến về một số nguyên tắc cơ bản như: nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác…Dự kiến vòng đàm phán thứ 7 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian sắp tới.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Ông Trương Tấn Sang: Phát huy tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới


Phát biểu tại Tọa đàm về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, cần phải dồn nhiều sức, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng thành công nông thôn mới.

truong tan sang
Toàn Cảnh Cuộc Họp

Ngày 26/6 tại Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và  Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Liên hoan văn nghệ và thi đấu thể thao quần chúng 11 xã điểm.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới dự Tọa đàm.

Về tình hình thực hiện tiêu chí văn hóa nông thôn mới tại 11 xã  điểm, tính đến tháng 5/2011, 81/130 thôn được công nhận thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 62%. 8/11 xã được phê duyệt dự án và đang thi công xây dựng nhà văn hóa xã, 3 xã đã hoàn thành việc xây dựng nhà văn hóa.

Các đại biểu đại diện cho các xã điểm đều cùng thống nhất quan điểm, cùng với việc thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới tập trung vào 4 nội dung: nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa thôn, làng, ấp, bản văn hóa; hoàn thiện trung tâm văn hóa – thể thao xã, nhà văn hóa – khu thể thao thôn; phát triển hoạt động văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới; và nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật ở nông thôn.

Nhấn mạnh vai trò bảo tồn và phát huy văn hóa ở nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới, cần đặt giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những tiêu chí ưu tiên hàng đầu.

truong tan sang
Trương Tấn Sang

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, mục đích xây dựng nông thôn mới hết sức toàn diện với nhiều nội dung, các xã thí điểm đã nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp, cơ bản đạt được nhiều tiêu chí đặt ra. Đời sống văn hóa ở 11 xã điểm có sự chuyển động khá lớn so với hơn 2 năm trước khi thực hiện

Tuy nhiên, đồng chí lưu ý với các địa phương, để nhân rộng mô hình thí điểm ra toàn tỉnh và toàn quốc thì đòi hỏi phải dồn sức, phát huy tối đa tất cả các nguồn lực, cần có sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân. Bởi qui mô càng mở rộng thì các địa phương sẽ càng gặp khó khăn khi tính chất và nội dung chương trình sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Đồng chí cho biết, sau khi kết thúc thực hiện thí điểm 11 xã nông thôn mới, Trung ương sẽ rà soát lại 19 tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn với sự phát triển của đất nước và của từng địa phương.

Từ đây đến cuối năm là giai đoạn nước rút để các xã thí điểm hoàn thiện những tiêu chí đạt được và kiến nghị  những vấn đề xoay quanh Chương trình để nhân rộng trên toàn quốc, để nông thôn có một diện mạo mới, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tiếp Bộ trưởng Tài chính Lào


Những hỗ trợ quý báu của Việt Nam về hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý và đào tạo nguồn nhân lực đã giúp hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào phát triển nhanh và bền vững.

nguyen sinh hung
Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng

Chiều 26/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Douangdy.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước ngày càng phát triển và coi đó là tài sản vô giá để Việt Nam – Lào hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và các cấp, các ngành của Việt Nam sẽ luôn làm hết sức mình để thúc đẩy phát triển quan hệ Việt – Lào và cho rằng trong 10 năm qua, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, thuế quan đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Việc ký kết Thoả thuận về Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2011-2020 đã tạo điều kiện để hợp tác giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính hai nước cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ then chốt trong việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng. Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, cần rà soát, xác định nhu cầu nhân lực của xã hội để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo.

Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Douangdy cảm ơn sự giúp đỡ chân tình và quý báu của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý. Thời gian qua, nhiều quy định đã thực sự phát huy tác dụng, tạo cơ chế để hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Tài Chính Lào cũng cho biết, Lào luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, hợp tác.

Về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Tài chính Lào khẳng định, với sự hợp tác và giúp đỡ của Việt Nam trong việc xây dựng Học viện Kinh tế – Tài chính Duong Kham Xang, nguồn nhân lực của Lào sẽ dần ổn định và có chất lượng đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Bộ trưởng Somdy Douangdy cũng cho biết, cuối tháng 6 này, cán bộ, công chức Bộ Tài chính hai nước sẽ có cuộc giao lưu hữu nghị. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa để trao đổi kinh nghiệm và tạo mối gắn kết giữa hai Bộ.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị hợp tác lao động Việt – Lào


Sáng 24/5/2011, tại thị xã Phôn Xa vẳn (Xiêng Khoảng, bắc Lào), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác lao động lần thứ hai giữa 2 nước.

Dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; bà Onnecchanh Thammavong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào, Somkot Mangnomek, uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng; Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa,  Đại sứ Việt Nam tại Lào Tạ Minh Châu cùng nhiều quan chức và đại diện doanh nghiệp hai nước.

nguyen thi kim ngan

Nguyễn Thị Kim Ngân

Sau lời chào mừng của Bí thư Tỉnh uỷ Xiêng Khoảng, bà Onnecchanh Thammavong, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào đọc diễn văn khẳng định, hội nghị lần này là cơ hội để học hỏi rút kinh nghiệm sau hội nghị lần thứ nhất tại Đà Nẵng đồng thời là dịp hai bên trao đổi cơ chế  lao động và đề ra phương hướng cho thời gian tới nhằm nâng cao trình độ quản lí lao động, hiệu quả trong đầu tư, đáp ứng tình hình hợp tác đầu tư ngày một tăng giữa hai nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hội nghị đánh dấu một bước tiến mới, quan trọng về hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội của hai nước nói chung và quan hệ giữa hai bộ nói riêng; qua hội nghị này hai bên sẽ thảo luận các nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực thuộc quản lý Nhà nước của hai bộ, góp phần thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Trong các bản báo cáo tham luận đã tập trung đánh giá việc thực hiện chương trình hợp tác tại Hội nghị Đà Nẵng trong lĩnh vực lao động từ năm 2009 đến nay, qua đó xác định nội dung hợp tác và biện pháp thực hiện trong thời gian tới như: Tình hình thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dạy nghề của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; chính sách bảo hiểm thất nghiệp; quản lý lao động người nước ngoài; tình hình người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; công tác dạy nghề.

Hội nghị cũng nêu vấn đề ưu tiên và biện pháp tiếp tục thúc đẩy thực hiện chương trình hợp tác trong lĩnh vực lao động hai nước trong thời gian tới là chia sẻ những khó khăn và thông cảm với điều kiện thực tế của nhau, thúc đẩy nhanh một số dự án hợp tác trong các lĩnh vực dạy nghề, đào tạo, hợp tác xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và một số lĩnh vực khác. Hiện nay quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng với tổng số 248 dự án đầu tư tại Lào với số vốn đăng ký là 3,1 tỷ USD, tập trung và các lĩnh vực điện, khai khoáng, nông nghiệp, dịch vụ cho nên cần có sự chia sẻ những vấn đề liên quan đến hợp tác lao động.

Trên cơ sở những ý kiến phát biểu, tham luận của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào  Onnecchanh Thammavong đã kết luận hội nghị. Hai bên thống nhất thúc đẩy chương trình hợp tác về lao động và phúc lợi xã hội giữa hai nước; tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác song phương được Lãnh đạo hai Bộ thoả thuận; tiếp tục nghiên cứu áp dụng một số chế độ chính sách, biện pháp quản lý phù hợp đối với lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào trước khi có thể thống nhất việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định Hợp tác lao động hiện hành; phối hợp với Bộ Quốc phòng và các ngành liên quan để tìm kiếm, thu thập hài cốt bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào và bộ đội Lào hy sinh tại Việt Nam trong chiến tranh để đưa về nước; tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan liên quan về xây dựng luật pháp chính sách, tạo việc làm, giải quyết tranh chấp lao động; thanh tra; bảo hiểm xã hội, công tác tổ chức thông qua trao đổi hội nghị, hội thảo tập huấn, trao đổi đoàn và cán bộ; khuyến khích các địa phương và tổ chức liên quan mở rộng hợp tác và kết nghĩa với nhau trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội, trong đó có việc quản lý trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào…

Hai bên nhất trí báo cáo Chính phủ và Uỷ ban hợp tác liên Chính phủ của hai nước về việc thúc đẩy nhanh việc hợp tác xây dựng Trung tâm dạy nghề Udomxay, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng 686 Bản Cân; đào tạo sinh viên Lào; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào; nâng cao trình độ giáo viên dạy nghề cho Lào, hợp tác xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, kiểm tra và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; nâng cao trình độ cho học viên của Lào để tham gia các kỳ thi tay nghề ASEAN.

Sau 2 ngày làm việc, chiều 25/5/2011, Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác lao động giữa 2 nước đã thành công tốt đẹp. Hai bên đã ký biên bản Hội nghị./.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội Hiệp hội xuất khẩu lao động


Chiều 23/06/2011, Đại hội toàn quốc nhiệm kỳ III của Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có: đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; đồng chí Nguyễn Thị Hằng – nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Chủ tịch hiệp hội dạy nghề; đồng chí Trần ban tuyên giáo Trung ương; 98/111 hội viên chính thức là các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Hiệp hội cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam và đông đảo phóng viên báo chí quan tâm đến hoạt động của Hiệp hội và hoạt động Xuất khẩu lao động.

nguyen thi kim ngan

Nguyễn Thị Kim Ngân

Đại hội đã nghe các báo cáo đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ II, phương hướng phát triển nhiệm kỳ III, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ II, báo cáo quyết toán thu – chi tài chính nhiệm kỳ II, báo các kiểm tra việc thực hiện điều lệ, thẩm định quyết toán tài chính nhiệm kỳ II và đã tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo trên.

Tại Đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ II, đồng thời mong muốn Hiệp hội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, góp phần tăng quy mô và chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đại hội cũng đã tiến hành bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ III gồm 25 ủy viên và Ban kiểm tra gồm 3 ủy viên. Ban Chấp hành đã họp phiên thứ nhất để bầu các chức danh lãnh đạo hiệp hội và Trưởng ban Kiểm tra. Đại hội đã thống nhất bầu Chủ tịch nhiệm Kỳ III là đồng chí Nguyễn Lương Trào – nguyên Chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội; Phó Chủ tịch gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân An, Phạm Đỗ Nhật Tân, Trần Quốc Ninh, Vũ Công Bình; Trưởng Ban kiểm tra: đồng chí Vũ Công Bình.

Trong thời gian tới, Hiệp hội phấn đấu đáp ứng ngày một tốt hơn cả về chất lượng và số lượng nguồn nhân lực cũng như cơ cấu nguồn lực trong mọi lĩnh vực mà thị trường lao động đòi hỏi. Đồng thời xây dựng tốt hơn cơ chế phối hợp, phân cấp trách nhiệm, phát huy sự tham gia của các tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trong sự phối hợp và đồng thuận; tổ chức tốt các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt chất lượng và hiệu quả cao, bền vững

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Hoa Kỳ muốn giúp giải tỏa căng thẳng ở Biển Đông


Washington khẳng định muốn giúp tháo gỡ căng thẳng trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông khi tham gia cuộc hội đàm với Bắc Kinh tại Hawaii hôm nay.

“Mỹ không có ý định đổ thêm dầu vào lửa” ở Biển Đông và “chúng tôi rất quan tâm tới việc duy trì hòa bình và ổn định tại đây”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell phát biểu hôm qua, trước vòng thứ nhất của cuộc tham vấn châu Á – Thái Bình Dương với Trung Quốc hôm nay.

nguyen  thi kim ngan
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ (phải) cùng tàu hộ tống thăm cảng Manila, Philippines tháng trước

“Chúng tôi đã thể hiện rất rõ ràng rằng Mỹ không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền”, AFP dẫn lời Campbell cho hay. “Tuy nhiên, chúng tôi có những nguyên tắc về tự do hải hành, giao thương cũng như duy trì hòa bình và ổn định. Những nguyên tắc đó đã có từ lâu và chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh chúng trong tất cả hoạt động tham gia ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Ông Campbell khẳng định Mỹ không muốn “lửa bùng lên” tại khu vực này. “Chúng tôi muốn căng thẳng giảm dịu đi và các bên bình tĩnh”, Campbell nhấn mạnh.

Phát ngôn này được đưa ra sau khi phía Trung Quốc lại lên tiếng yêu cầu Mỹ tránh xa Biển Đông. “Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền” ở Biển Đông vì thế “tốt nhất là Mỹ để các bên tự giải quyết với nhau”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải phát biểu. Ông cũng nói rằng một số quốc gia “đang đùa với lửa”và hy vọng “Mỹ sẽ không bị bỏng vì ngọn lửa này”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua khẳng định Mỹ sẵn sàng cung cấp khí tài để hiện đại hóa quân đội, ủng hộ Philippines “đối phó với hành động gây hấn” trong bối cảnh tranh chấp đang ngày càng căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ và Philippines có hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951. Ngoại trưởng Philippines cho rằng văn bản đó – có quy định việc phòng thủ chung trong trường hợp có sự tấn công ở khu vực Thái Bình dương – bao gồm cả Biển Đông.

Tuần trước, Thượng nghị sĩ Mỹ kỳ cựu John McCain cũng kêu gọi chính phủ Mỹ cần tăng cường giúp đỡ ASEAN về chính trị và quân sự để đối phó với những tuyên bố chủ quyền “không cơ sở” của Trung Quốc.

Căng thẳng ở Biển Đông lên cao trong những tuần gần đây với việc Philippines và Việt Nam tố cáo Trung Quốc có hành động ngày càng quyết liệt ở Biển Đông.

Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc đã công bố yêu sách 9 đoạn (thường gọi là đường lưỡi bò hoặc đường chữ U), ôm trọn Biển Đông và các đảo/quần đảo trong khu vực. Yêu sách này bị các nước khác bác bỏ bởi không có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử.

Mai Trang


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội Công đoàn Bộ LĐ-TB và XH


Trong hai ngày 23 – 24/6/2011, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đại biểu Công đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khóa VII, nhiệm kỳ 2011 – 2016. Đến dự Đại hội có Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Hòa, các Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Nguyễn Ngọc Phi; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng; Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Nguyễn Giang Tuệ Minh, đại diện Ban chấp hành Công đoàn (BCHCĐ một số bộ, ngành, đơn vị và 183 đại biểu đại diện cho hơn 1800 đoàn viên công đoàn của 35 đơn vị trực thuộc Bộ.

nguyen thi kim ngan
Nguyễn Thị Kim Ngân

Theo báo cáo của BCHCĐ Bộ, thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động (khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, lạm phát, suy thoái kinh tế, giá cả thị trường tăng). Đặc biệt, Bộ cũng có những thay đổi kiện toàn về tổ chức bộ máy. Song, BCHCĐ Bộ, CĐ các đơn vị đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và vận động đoàn viên phát huy trí tuệ của các cán bộ, công chức, (CBCC) viên chức và người lao động phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội nhiệm kỳ VI đề ra. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát huy tính năng động, sáng tạo của CBCC, viên chức và người lao động. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên quán triệt về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chủ động phối kết hợp với chuyên môn và hoạt động của các tổ chức khác, khơi dậy trong các CBCC, viên chức ý thức, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành. Vị thế của tổ chức CĐ ngày càng được củng cố, tổ chức phát động, thường xuyên vận động phong trào thi đua rộng khắp, kịp thời, cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ chính trị hàng năm. Hoạt động của công đoàn Bộ ngày càng thu hút đông đảo đoàn viên tham gia.

CĐ đã tham gia quản lý, giám sát các hoạt động trong cơ quan, đơn vị, từ đó thể hiện được vai trò của tổ chức CĐ trong việc thực hiện Luật, Điều lệ tổ chức CĐ. Tham gia xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi một số qui chế, đặc biệt là các qui chế có liên quan trực tiếp tới lợi ích của đoàn viên.

Với những kết quả trên, qua bình xét thi đua hàng năm, 90% tổ chức CĐ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh xuất sắc, 99% đoàn viên CĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 25% đoàn viên CĐ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được công nhận là chiến sỹ thi đua các cấp.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Qua công tác chỉ đạo, lãnh đạo, Ban cán sự – lãnh đạo Bộ nhận thấy công tác CĐ của Bộ đã không ngừng phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, phấn đấu thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị mà Đảng ủy – lãnh đạo Bộ và CĐ cấp trên giao.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Đại hội cần lựa chọn bầu BCHCĐ Bộ khóa VII  đảm bảo tiêu chuẩn và cơ cấu, trình độ văn hóa, chuyên môn, tham gia tích cực và có trách nhiệm với hoạt động công đoàn. BCHCĐ Bộ cần lãnh đạo, chỉ đạo các CĐ trực thuộc và động viên đoàn viên tham gia học tập, nghiên cứu, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết CĐ các cấp; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội cán bộ công chức, viên chức hàng năm cũng như Nghị quyết Đại hội CĐ Bộ khóa VII được Đại hội thông qua, từ đó xây dựng chương trình hành động, phát động phong trào thi đua, cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức CĐ, trong đó, phải tập trung vào lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ chính trị được giao như: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục giải phóng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Cải cách căn bản chính sách tiền lượng trong khu vực sản xuất kinh doanh; Tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công; Xây dựng chiến lược an sinh xã hội; Bảo đảm cơ bản quyền trẻ em; Tích cực và kiên quyết phòng chống tệ nạn xã hội…

Tại Đại hội, BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn cho Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Hòa; Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm; Tặng Bằng khen của BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân; các Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Hồng Lĩnh và các đồng chí: Nguyễn Văn Chỉnh, Nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Vũ Như Văn, Quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động; Nguyễn  Văn Tiến, Chánh thanh tra Bộ; Lê Văn Chương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ.

Trong phiên họp lần thứ nhất diễn ra ngay sau Đại hội, BCHCĐ Bộ khóa VII đã bầu ông Nguyễn Xuân Lập đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Công đoàn Bộ, các Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ là bà Mai Thúy Nga, ông Phan Văn Thông; Ủy ban thường vụ BCHCĐ gồm có các đồng chí: Trần Quốc Huy, Đào Hồng Lan, Phạm Quang Phụng, Nguyễn Tiến Tùng./.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Mỹ sẽ không để xảy ra chiến tranh ở Biển Đông


Ngày 23/6, khi đánh giá về tình hình an ninh ở khu vực Thái Bình Dương cũng như tình hình tại biển Đông, Tướng Gary L. North, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, hiện đang ở thăm Philippines, nói với báo giới rằng không nên để cho tình hình căng thẳng chính trị xung quanh vấn đề tranh chấp Biển Đông dẫn tới chiến tranh, đồng thời ông khẳng định rằng Washington ủng hộ Manila trên cơ sở Hiệp định phòng thủ chung hiện nay.

philippines

Tổng thống Philippines Benigno Aquino (phải) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt ngày 23/5/2011

Ông North nói rằng WashingtonManila có mối quan hệ vững chắc và hy vọng tranh chấp trên Biển Đông sẽ không bao giờ dẫn tới giao tranh.

Ông đã kêu gọi các nước cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông phải minh bạch và tôn trọng các đường biên giới quân sự.

Ông cho biết Chính phủ Mỹ sẽ không chỉ theo dõi sát diễn biến căng thẳng giữa các nước đòi chủ quyền ở Biển Đông mà còn theo dõi diễn biến liên quan tới các hoạt động dân sự, thương mại, phát triển công nghiệp, tội phạm xuyên quốc gia như cướp biển, buôn người và đánh bắt cá bất hợp pháp ở khu vực Thái Bình Dương.

Ông North bày tỏ hy vọng tình hình ở Biển Đông sẽ không leo thang và không có sự thù địch. Các nước tranh chấp phải sử dụng khả năng của mình để tiến hành đối thoại và ngăn chặn xung đột leo thang.

Trong khi đó, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Philippines Eduardo Oban nói rằng các lực lượng vũ trang Philippines có nhiệm vụ bảo vệ các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song tình hình căng thẳng cần phải được giải quyết hòa bình và thông qua ngoại giao. Dù có hay không có mối đe dọa từ bên ngoài, Philippines vẫn phải tăng cường và nâng cấp khả năng bảo vệ quyền lãnh thổ và biển đảo của mình./.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)

Mỹ sẽ không để xảy ra chiến tranh ở Biển Đông


Ngày 23/6, khi đánh giá về tình hình an ninh ở khu vực Thái Bình Dương cũng như tình hình tại biển Đông, Tướng Gary L. North, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, hiện đang ở thăm Philippines, nói với báo giới rằng không nên để cho tình hình căng thẳng chính trị xung quanh vấn đề tranh chấp Biển Đông dẫn tới chiến tranh, đồng thời ông khẳng định rằng Washington ủng hộ Manila trên cơ sở Hiệp định phòng thủ chung hiện nay.

philippines

Tổng thống Philippines Benigno Aquino (phải) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt ngày 23/5/2011

Ông North nói rằng WashingtonManila có mối quan hệ vững chắc và hy vọng tranh chấp trên Biển Đông sẽ không bao giờ dẫn tới giao tranh.

Ông đã kêu gọi các nước cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông phải minh bạch và tôn trọng các đường biên giới quân sự.

Ông cho biết Chính phủ Mỹ sẽ không chỉ theo dõi sát diễn biến căng thẳng giữa các nước đòi chủ quyền ở Biển Đông mà còn theo dõi diễn biến liên quan tới các hoạt động dân sự, thương mại, phát triển công nghiệp, tội phạm xuyên quốc gia như cướp biển, buôn người và đánh bắt cá bất hợp pháp ở khu vực Thái Bình Dương.

Ông North bày tỏ hy vọng tình hình ở Biển Đông sẽ không leo thang và không có sự thù địch. Các nước tranh chấp phải sử dụng khả năng của mình để tiến hành đối thoại và ngăn chặn xung đột leo thang.

Trong khi đó, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Philippines Eduardo Oban nói rằng các lực lượng vũ trang Philippines có nhiệm vụ bảo vệ các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song tình hình căng thẳng cần phải được giải quyết hòa bình và thông qua ngoại giao. Dù có hay không có mối đe dọa từ bên ngoài, Philippines vẫn phải tăng cường và nâng cấp khả năng bảo vệ quyền lãnh thổ và biển đảo của mình./.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Thị Kim Ngân)