Sáng ngày 22/4/2010, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp giải trình về chính sách giảm nghèo, tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2009, một số vấn đề quan tâm trong dự án Bộ luật lao động (sửa đổi). Tham dự có đồng các chí: Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Bùi Sỹ Lợi, Đặng Như Lợi, Lương Phan Cừ; cùng đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày về chương trình giảm nghèo và các giải pháp trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng, Chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006 -2010 được ban hành theo Quyết định số 20/2007 – QĐ của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu cụ thể đến năm 2010: phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ từ 22% năm 2005 xuống còn 10 – 11% (trong năm 5 giảm 50% hộ nghèo). Trong 4 năm thực hiện từ 2006 – 2009, bình quân khoảng 5 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với mức vay bình quân từ 6 -7 triệu đồng/hộ, ước thực hiện 5 năm đạt khoảng 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, mức vay bình quân 7 -8 triệu đồng/hộ, đạt 103,3% kế hoạch 5 năm. Vốn cho vay nhìn chung được hộ nghèo sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Ngoài ra, cũng đã có 350.000 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; xây dựng 8.500 mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ với 3,7 tiệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn. Ngoài ra, trong 3 năm (2007 – 2009) đã có trên 10.000 lượt người được dạy nghề miễn phí, trong đó có 60% tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Các mục tiêu giảm nghèo cơ bản đã hoàn thành trước một năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững.
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thi Kim Ngân về chuẩn nghèo mới, giải pháp để giảm nghèo bền vững; chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; giải pháp hỗ trợ cho người nghèo đạt hiệu quả cao; việc phối hợp với các Bộ ngành như thế nào trong việc thực hiện xóa đói giảm nghèo…
Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Chuẩn nghèo đã được xây dựng trên cơ sở điều tra, đánh giá chỉ số tiêu dùng ở từng vùng, miền, qua đó xác định và đưa ra mức chuẩn nghèo quy định ở khu vực thành thị và chuẩn nghèo ở nông thôn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của vùng, miền cả nước. Về chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30 đã được triển khai bài bản với nhiều chính sách đầu tư mạnh từ xã, phường, huyện thị, và tỉnh thành về cơ sở vật chất; chương trình đã được các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ đã có chính sách phân loại từng hộ nghèo để xác định các giải pháp hỗ trợ họ vươn lên thoát nghèo. Nhu cầu của người nghèo giờ đã khác so với trước đây, chất lượng sống của người nghèo có nhiều bước được nâng lên, được tiếp cận nhiều chính sách của Nhà nước; cơ sở hạ tầng, giao thông ngày càng được đầu tư cơ bản cả về chất lượng và số lượng; đời sống của người nghèo, hộ nghèo ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân – Thừa ủy quyền của Chính phủ đã báo cáo về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội. Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến và đề xuất.
Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến góp ý của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhận xét: Những thành tựu về chính sách giảm nghèo đã đạt được trong thời gian qua là hết sức to lớn và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hiện nay, vấn đề quan tâm là chiến lược giảm nghèo cho giai đoạn tới. Vấn đề về sử dụng nguồn lực như thế nào; tham gia của người dân trong việc giảm nghèo ra sao.
Bà Trương Thị Mai đề nghị Bộ Lao động – TBXH cần rà soát lại các chính sách, bộ máy và cơ chế lồng nghép (giao quyền và giao trách nhiệm cho các địa phương); tiếp tục xây dựng chính sách sắp tới một cách cụ thể hơn theo hướng có sự tham gia của người dân, quản lý theo hiệu quả và đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo.
Còn về về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, Bà Trương Thị Mai đánh giá cao và tán thành với báo cáo của Chính phủ trong việc phản ánh khá đầy đủ tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH bắt buộc, tình hình thực hiện BHXH tự nguyện năm 2008, 2009 và bảo hiểm thất nghiệp năm 2009. Báo cáo đã phản ánh được tình hình và chỉ ra một số nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động quản lý, thu – chi Quỹ BHXH, đề ra phương hướng và các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế hiện nay.
Tuy nhiên, báo cáo chưa phân tích, đánh giá một cách sâu sắc những nội dung cơ bản của việc quản lý Quỹ BHXH như: Xác định và quản lý tiền lương đóng BHXH bắt buộc, giải quyết nợ đọng BHXH, bảo toàn và tăng trưởng Quỹ BHXH bắt buộc, tình hình BHXH tự nguyện, thất nghiệp; tổ chức bộ máy, biên chế và chi phí hoạt động bộ máy thực hiện BHXH,… để từ đó chỉ ra các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân làm cơ sở cho việc đề xuất các kiến nghị, biện pháp khắc phục.
(Theo www.nguyenthikimngan.com)